Việc Làm Remote Không Cần Kinh Nghiệm

Việc Làm Remote Không Cần Kinh Nghiệm

🍀 Xin chào cả nhà, mình là một “remote tester” đây. Bài viết này mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm phỏng vấn và tìm kiếm công việc tester remote (kiểm thử phần mềm từ xa).

🍀 Xin chào cả nhà, mình là một “remote tester” đây. Bài viết này mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm phỏng vấn và tìm kiếm công việc tester remote (kiểm thử phần mềm từ xa).

Tìm việc trên các nhóm facebook

Mình đã tìm kiếm trên các nhóm tuyển dụng tester trên facebook bao gồm cả Testing VN Jobs.  Riêng nhóm này hoạt động rất sôi nổi và có rất nhiều bài viết mới mỗi ngày nên mình phải sử dụng chức năng tìm kiếm để lọc các bài tuyển dụng có đề cập đến từ “remote” và sau tầm 2 tuần “canh gác” trên nhóm này thì cuối cùng mình cũng tìm được 3 tin đăng tuyển remote tester ấn tượng.

Dù trong bài viết có thông tin email nhưng mình thích nộp CV trực tiếp với tác giả đăng tin – kiểu như là phải trao CV tận tay mới an tâm. Sau một tuần mình đã nhận được lời mời phỏng vấn của cả 3 đơn vị trên, và phải lên lịch phỏng vấn riêng từng ngày.

Công ty đầu tiên, là công ty ở Việt Nam có chi nhánh ở nước ngoài, phỏng vấn tổng cộng hai vòng. Vòng đầu là hỏi về kỹ thuật (technical interview), gặp một bạn nhỏ tuổi hơn, trong suốt buổi phỏng vấn bạn nói chuyện khá khiêm tốn và rất dễ thương. Phỏng vấn bằng tiếng Việt 100%. Do mình hỏi hơi nhiều về công việc này nên bạn ấy chủ yếu chia sẻ các thông tin về công ty và dự án bạn ấy đang làm chứ không hỏi nhiều về kỹ thuật hay kinh nghiệm của mình như khi phỏng vấn ở các công ty khác. Kết thúc buổi phỏng vấn khoảng một tiếng (60 phút) thì bạn ấy cho kết quả luôn, nói mình phỏng vấn đạt vòng này và HR sẽ liên hệ để hẹn phỏng vấn vòng tiếp theo với anh Giám đốc công ty.

Ở vòng phỏng vấn tiếp theo, mình gặp anh Giám đốc phỏng vấn bằng tiếng Anh 100%. Buổi này chủ yếu xoay quanh các vấn đề về quy trình phát triển phần mềm như so sánh ưu điểm/nhược điểm của Scrum so với các mô hình khác như V-Model. Hỏi sâu về kỹ năng quản lý nhóm và quản lý dự án (cứ tưởng như mình đang phỏng vấn vị trí Project Manager vậy)

Sau khi đã trao đổi xong về “tầm nhìn” và “phong cách làm việc” của mình thì chuyển qua hỏi mức lương mong đợi (expected salary). Mình đưa ra mức mong đợi theo lương Senior Tester, nhưng anh ấy chia sẻ là công ty thì đang tìm một bạn ở mức trung bình (Middle tester) và dự án cần tuyển là một sản phẩm sử dụng nội bộ (inhouse product – phát triển sản phẩm cho chính công ty mình sử dụng) nên cũng không cần kinh nghiệm và năng lực cao quá, vì thế anh ấy hỏi về mức lương thấp hơn mong đợi của mình. Trong quá trình trao đổi này thì mình tỏ ý không đồng tình với việc trả lương theo yêu cầu công việc chứ không theo năng lực và kinh nghiệm của mình. Kết quả không ngoài dự đoán, sau vài ngày mình đã nhận được “Thank you letter” – là không có offer nào được đưa ra cho mình – hay nói cách khác là không đạt. Cũng nói thêm là, trước khi tham gia phỏng vấn mình có tìm hiểu kỹ về công ty này qua thông tin trên mạng, và cũng biết vị trí đang tuyển là middle tester, nhưng mình cứ phỏng vấn vì suy nghĩ “biết đâu được” nên chỉ cho phép mình buồn một ngày hôm ấy thôi.

Công ty thứ hai, nhanh gọn hơn, chỉ phỏng vấn một vòng và tương tự công ty đầu tiên, cũng không hỏi nhiều về kỹ thuật mà chủ yếu hỏi về những tình huống thường gặp trong dự án và cách xử lý những tình huống đó. Với các tình huống mà mình đã từng gặp trong quá khứ thì mình đã trả lời theo cách xử lý của mình hồi xưa và có thêm ít quan điểm hiện tại (kiểu như là “nếu quay lại được thời điểm đó thì mình sẽ làm như vậy”). Các tình huống chưa gặp bao giờ thì câu trả lời của mình chỉ dựa theo suy luận, phán đoán, và trực giác tại thời điểm đó chứ cũng không biết chắc giải pháp đó có hiệu quả hay không. Vì thế, khi nhận được offer (phỏng vấn đạt) mình cũng khá bất ngờ nên đã liên lạc hỏi lại bạn phỏng vấn mình hôm trước lý do. Bạn ấy chia sẻ: những tình huống trao đổi trong buổi phỏng vấn hôm trước là những tình huống bạn ấy hay gặp nhưng cũng chưa tìm được cách xử lý triệt để. Nên khi phỏng vấn, bạn ấy muốn mang ra hỏi để xem mình có ý tưởng nào tốt hơn không. Còn về kiến thức kiểm thử phần mềm thì bạn ấy xem qua CV và bạn ấy “cảm thấy không có gì cần phải hỏi thêm.”

Công ty thứ ba, cũng là công ty mình đang làm việc, phỏng vấn hai vòng với công ty và một vòng phỏng vấn với khách hàng ở nước ngoài. Vòng đầu tiên, trao đổi thông tin với bạn tuyển dụng/nhân sự. Ngoài những câu hỏi sàng lọc về kinh nghiệm làm việc và học tập thì trong buổi này còn có một phần kiểm tra khả năng nghe tiếng Anh bằng cách cho mình nghe một đoạn hội thoại bằng tiếng Anh và yêu cầu mình nói lại nội dung của nó.

Đến vòng phỏng vấn tiếp theo, mình gặp một bạn từng là học viên của TESTING VN và tụi mình nói chuyện với nhau khá thoải mái. Đầu tiên là giới thiệu về bản thân bằng tiếng Anh, phần còn lại của buổi phỏng vấn là chuyển sang sử dụng tiếng Việt. Sau một số câu cơ bản về quá trình kiểm thử như khi nhận một task hay user story để thay đổi bổ sung chức năng có sẵn thì mình sẽ kiểm thử như thế nào cho hiệu quả – Cái này thì trong lớp ISTQB mình nhớ anh Sơn có chia sẻ lúc học phần cuối Chương 2 chỗ maintenance testing nên trả lời “rất ngọt” – Sau đó là những câu chuyện xoay quanh các dự án trước đây của mình.

Sau đó, mình nhận lịch hẹn phỏng vấn với khách hàng – là công ty đối tác mình sẽ tham gia dự án làm việc cho họ. Nhưng sau đó thì vì lý do gì đó mà lịch phỏng vấn của mình với khách hàng đã bị huỷ và mình nhận được offer (thư mời làm việc) luôn. Và mức lương thì như mức mong đợi của mình như đã chia sẻ với HR từ vòng đầu tiên nên mình nhận lời làm việc cùng công ty cho tới giờ luôn – trộm vía 🥰

Về công việc hàng ngày, mình làm cho thị trường Úc có múi giờ chuẩn là UTC+10 (nhưng sẽ có 6 tháng hơn Việt Nam 3 tiếng, và 6 tháng còn lại là 4 tiếng do có daylight saving time (viết tắt DST) – có thể xem thêm ở đây để biết DST là gì). Buổi sáng ở Việt Nam thì là buổi chiều của bên Úc, nên mọi thứ liên quan đến bên khách hàng sẽ được ưu tiên vào buổi sáng, vì thế buổi sáng chủ yếu là họp và họp (thường liên quan đến vấn đề cập nhật tiến độ dự án, thảo luận về kỹ thuật hoặc về yêu cầu nghiệp vụ với PM). Thời gian còn lại 5 tiếng buổi chiều là để làm việc của mình. Khách hàng bên Úc phát triển sản phẩm cho họ (product-led company) nên mọi người làm việc cũng khá thoải mái và không khuyến khích làm thêm giờ (OT).

Đây là một công ty đa quốc gia nên mình có cơ hội làm việc trực tiếp với nhiều đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Việt Nam, Úc, Ấn Độ, Srilanka, Hàn Quốc và cả Trung Quốc. Nhờ vậy mà khả năng nghe nói tiếng Anh của mình cũng được cải thiện đáng kể sau một thời gian làm việc ở đây. Ngoài ra, thì dù ở Việt Nam nhưng mình cũng được “hưởng ké không khí lễ hội” của nhiều quốc gia khác nhau ví dụ gần đây nhất là Diwali của Ấn Độ, và sắp tới thì bên Úc sẽ nghỉ Giáng Sinh và Năm Mới hai tuần nên mình kiểu sẽ cũng được “enjoy” ké 🤩

Hiện tại mình đang rất hài lòng với công việc này, điểm mình thích nhất là thời gian làm việc linh hoạt, miễn sao mình tự chủ động sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc là điều quan trọng nhất. Để giúp bản thân và đồng nghiệp, mình luôn cập nhật thông tin từ email, nhóm chat của dự án để nắm được tình hình chung của dự án, và những khó khăn của các bạn dev, PM, tester khác qua stand up (là báo cáo công việc mỗi ngày – có công ty gọi là daily meeting).

Một cái lợi nữa là không phải cập rập đi làm vào buổi sáng và chịu cảnh kẹt xe hay khói bụi của các thành phố lớn – bạn nào đang ở TP. HCM và Hà Nội sẽ hiểu.